Danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc nhất của Pháp được "cha truyền con nối"
Tại Cassel, một thị trấn miền bắc nước Pháp, gia đình Fayolle nổi tiếng với nghề bọc nệm ghế gỗ và đồ nội thất, với 4 thành viên trong gia đình, từ cha đến con, đều nhận được giải thưởng danh giá nhất cho nghề thủ công : Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp - Meilleurs Ouvriers de France
Những tiếng búa gõ, tiếng cắt vải, có lẽ không còn xa lạ đối với cư dân tại khu phố Maréchal Foch ở trị trấn Cassel, vùng Hauts de France, miền bắc nước Pháp. Cứ mỗi thứ Ba hàng tuần, Barbara Fayolle cùng các học viên của mình sửa lại hoặc làm ra những ghế hoàn toàn bằng kỹ thuật thủ công ở Pháp. “Những chiếc ghế này đã tồn tại từ hàng chục năm và khi được sửa lại có thể tồn tại cả trăm năm”, không giống như những chiếc ghế chỉ cần lắp ráp sẵn của IKEA ngày nay.
Tại lớp học của Barbara, mọi người sẽ tự mang ghế hoặc khung ghế (thường bằng gỗ), đến và sửa lại phần vải, nệm bọc quanh ghế, hoàn thành tất cả các công đoạn từ lúc lồng lò xo để tạo độ nảy cho phần nệm ghế, cho đến những mũi kim cuối cùng khi bọc vải lên. Tất cả những kỹ thuật thủ công đó Barbara đã quen thuộc từ khi còn nhỏ trong xưởng của gia đình và chính thức bắt đầu học nghề từ năm 18 tuổi, theo đuổi sự nghiệp của cha mẹ cô : nghề bọc nệm ghế gỗ (Tapisserie d’ameublement).
Barbara không cần phải tốn nhiều công sức để quảng bá, làm marketing cho lớp học, bởi vì, trong nghề này ở trong vùng “có ai mà không biết gia đình Fayolle”, như nhận xét của một học viên, đến từ thành phố Lille, cách Cassel 45 phút lái xe.
Không chỉ đạt danh hiệu Thợ học việc xuất sắc nhất, Barbara cũng là Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp trong nghề bọc nệm ghế, cũng giống như cha của cô, ông Jacques Fayolle. Điều đáng nói là cô và anh trai Jean-Baptiste Fayolle, cùng tham gia vào cuộc thi để giành được giải cao quý nhất trong các nghề thủ công ở Pháp. Cả hai đều được chọn và tham gia vào phần thi đánh giá chất lượng vào năm 2013, kéo dài hai năm do Ban tổ chức triển lãm tác phẩm- (Comité d'Organisation des Expositions du Travail - COET) và làm việc không ngừng nghỉ trong 6 tháng để hoàn thiện chiếc ghế theo yêu cầu của ban giám khảo.
“Cuối cùng cả hai anh em tôi đều được nhận huân chương (vào năm 2015) và nói thật là cuộc thi này không dễ, thực sự rất khó với chúng tôi. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần làm xong một cái ghế thôi, nhưng đó là một thách thức với chúng tôi. Bởi vì trong gia đình tôi, chúng tôi có cảm tưởng như là bị phán xét, vì cha tôi cũng đã tham gia cuộc thi và đoạt giải. Mọi người hay nói rằng chúng tôi là một gia đình xuất sắc, và nếu chúng tôi không xuất sắc, thì chúng tôi phải gánh áp lực lớn trên vai. Chúng tôi cảm thấy như bị bắt buộc, dù không hẳn là như vậy, tôi cũng không đăng ký đi thi để khiến bố tôi tự hào, nhưng tôi biết là chúng tôi rất muốn giành được giải này. Tôi nghĩ rằng một nhà tâm lý học sẽ thích nghiên cứu tâm lý gia đình tôi.”
Gia đình ba anh em Nghệ nhân xuất sắc nhất nước PhápKhông chỉ Barbara và Jean-Baptiste mà nhà Fayolle có bốn anh em, còn có một thành viên nữa, Jacob, cũng nhận được danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc nhất trong nghề của gia đình vào năm 2019. Đối với ba anh em, đi theo nghề của mẹ cha, là “một lẽ tự nhiên”, như nhận định của người mẹ Sylvie Fayolle. Bà cũng là một thợ làm nghề bọc, nệm ghế, làm các trang trí nội thất bằng vải. Cùng với chồng bà, Jacques Fayolle, cả hai đã lập lên doanh nghiệp gia đình từ năm 1980.
“Các con tôi lớn lên cùng nghề này, cứ đến kỳ nghỉ ở trường, chúng đến chơi trong xưởng của chúng tôi, tò mò chơi với các dụng cụ, cầm búa, chạm vào đinh. Tôi nghĩ đó chính là nhân tố chính, giúp các con tôi tìm ta đam mê của mình. Nghề thủ công đang có xu hướng bị mai một, dù vẫn có nhiều trường dạy học. Phải nói rằng gia đình chúng tôi rất may mắn. Các con tôi không chỉ nối nghề mà còn nối nghiệp, tiếp quản lại doanh nghiệp của gia đình và làm nó lớn mạnh.”
Chồng bà, ông Jacques, Nghệ nhân xuất sắc nhất đầu tiên của gia đình Fayolle đã nghỉ hưu từ năm 2019. Ba anh em, ba Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp trong nghề, đã “mua lại” và tiếp quản doanh nghiệp của gia đình, và xưởng gia công đồ nội thất, nằm ở ngoại ô thị trấn Cassel. Trong nghề « bọc nệm » này, Barbara là người duy nhất trong gia đình có chuyên môn về ghế. Mẹ cô thì chuyên làm trang trí nội thất bằng vải, chẳng hạn như làm rèm cửa, làm gối. Bố và hai anh của cô, thì có chuyên môn về làm nệm ghế.
Liệu một gia đình làm nghề thủ công với 4 giải Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp có thay đổi diện mạo của nhà Fayolle hay không ? Cô Barbara nhận định rằng giải thưởng “là một điều tuyệt vời, nhưng người trong cuộc chúng tôi, không có chung góc nhìn như những người ngoài cuộc - thường chỉ thấy khía cạnh bóng bẩy – hào quang của giải này. Không phải vì đoạt được giải này mà cuộc sống của chúng tôi đột nhiên thay đổi. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc theo cách mà chúng tôi vẫn làm, để tiến bộ. Đối với tôi, người nghệ nhân giỏi thật sự là những người tiếp tục tôn trọng các kỹ năng, và không ngừng tiến bộ, thì họ cũng là những Nghệ nhân xuất sắc nhất, giống như tôi, hay bố hoặc các anh của tôi”.
Phát triển, đổi mới nghề thủ công thích ứng với thời đạiTừ một xưởng thủ công nhỏ, hiện nhà Fayolle đã mở rộng xưởng, với khoảng 20 lao động và mở ra một xưởng gỗ riêng, để có thể hoàn thiện sản phẩm từ A đến Z. Đối với ông Jacques, đã làm nghề bọc vải nệm ghế trong 50 năm, trước khi nghỉ hưu từ bốn năm qua, khi thấy các con mình cùng nhau làm việc, cùng đoạt giải như mình và phát triển doanh nghiệp, là một niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn.
“Chúng biết phải làm như thế nào, thích ứng với thời đại thay đổi. Các đồ nội thất, hay các kỹ thuật cũng thay đổi… Một xưởng nhỏ có cũng cái hay riêng, nhưng điều quan trọng là làm sao có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp, không phải chỉ về doanh thu, mà làm sao để xưởng có thể tiếp tục, tạo việc làm cho nhiều người.”
Ông ví việc chuyển giao, truyền lửa nghề lại cho các con mình với câu phân tích tâm lý của Sigmund Freud : người cha cần phải ra đi thì con cái mới có thể bộc lộ tài năng.
“Thực sự là trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các con sẽ theo nghề mình. Việc cha truyền con nối ở những thế kỷ trước là lẽ tự nhiên, thì nay ngày càng hiếm, đặc biệt là khi cả ba người con, cộng thêm cháu trai của tôi cùng theo nghề này. Đối với nhiều nghề thủ công hiện này, truyền nghề lại cho những người trẻ rất khó. Nhiều người còn nói rằng nghề thủ công sẽ biến mất, vì khí truyền lại nghề, con cái không muốn theo nghề vì họ biết được những khó khăn của cha mẹ chúng”.
Trước khi gia nhập doanh nghiệp gia đình, cả ba anh em nhà Fayolle, đều có những hành trình, trải nghiệp khác nhau. Nếu như Barbara cho rằng mình là người giúp quá trình chuyển giao diễn ra một cách suôn sẻ, để khách hàng quen thấu hiểu, thuận lòng chủ cũ – cha mẹ mình - thì “cả ba chúng tôi đều có một kỹ năng riêng, cùng đóng góp vào doanh nghiệp”.
Barbara và Jean-Baptiste thường làm việc ở những doanh nghiệp nhỏ, khối lượng công việc mà sức người có thể làm được, mang tính thủ công truyền thống, có nhiều mối quan hệ với những người trong vùng. Còn Jacob, đã làm việc trong vòng 17 năm tại trong một doanh nghiệp đồ nội thất xa xỉ ở Paris, cho phép anh đi nhiều nơi biết nhiều ý tưởng mới lạ, hiện đại, “mang khía cạnh xa hoa trong đồ nội thất đến trị trấn nhỏ ở Nord Pas de Calais, ở Cassel, miền bắc nước Pháp”. Jacob cho biết lúc đó, doanh nghiệp mà anh đang làm gặp khó khăn, ông Jacques đã gọi điện cho anh, đề xuất trở về làm cùng gia đình. Anh chia sẻ : “Ban đầu nói thật là trở lại quê hương không hề dễ dàng, vì tôi đã hoà nhập với cuộc sống đô thị ở Paris 100 %, nhưng cuối cùng, mọi người có thể thấy là cuộc sống ở quê cũng rất ổn. Hơn nữa, làm việc cùng gia đình dễ dàng hơn rất nhiều. Đó cũng chính là điều cho phép chúng tôi mở rộng xưởng gia công như hiện nay”. Mặc dù làm việc cùng với anh chị em trong nhà đôi khi không dễ dàng.
Tại cửa hiệu Fayolle, nằm giữa trung tâm thị trấn Cassel, nơi trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp anh em, Jacob phụ trách tiếp đón khách hàng, đôi khi mẹ anh, bà Sylvie cũng đến hỗ trợ. Tầng hai của cửa hàng, từng là nơi cha mẹ anh làm việc, hiện giờ trở thành nơi bày biện những sản phẩm “độc lạ”, chẳng hạn như những chiếc ghế hiện đại, từ nhà thiết kế người Pháp nổi tiếng Mathieu Lehanneur, người thiết kế ra ngọn đuốc Olympic 2024. Jacob cho biết hiện xưởng có thể sản xuất theo các những mẫu thiết kế thời thượng, chứ không còn là những chiếc ghế gỗ bọc vải như trước kia.
Truyền nghề cho lớp trẻMột trong những tiêu chí của giải Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp là khả năng truyền nghề, truyền lại kiến thức. Sylvie, bà mẹ của gia đình cho rằng “học việc sẽ dễ hơn khi học từ người ngoài, bởi vì cách nói chuyện, giao tiếp cũng sẽ khác”. Chẳng hạn như Barbara, từ lúc nhỏ, cô chưa từng nghĩ sẽ theo nghề của cha mẹ mãi cho đến khi trưởng thành. Cô đăng ký học nghề tại một trường đào tạo chuyên nghiệp. Thế nhưng, có thể việc quyết định theo nghề này sẽ dễ dàng đối với người đã biết đến nghề thủ công hơn là những người không có tiếp xúc gì.
Đối với Barbara, cô tự tin nói rằng mình có khả năng khiến người khác xúc động khi nói về nghề của mình, truyền cảm hứng cho những người trẻ. Cô kể lại một sự kiện quảng bá về nghề thủ công cho công chúng, và đã khiến một cô gái trẻ bật khóc khi nghe chia sẻ về niềm đam mê với nghề này. Sau đó, cô gái ấy đã quyết định theo nghề và hiện trở thành nhân viên chính thức trong xưởng của nhà Fayolle.
Về phần Jean-Baptiste, dù là người anh cả trong nhà, nhưng anh không cho rằng mình có nghĩa vụ truyền lại kinh nghiệm kiến thức, nhất là khi mỗi người trong gia đình đều có tài năng riêng.
“Người mà tôi có thể truyền lại kiến thức là con tôi, Matisse. Chúng tôi thường đi cùng nhau đến công trình, làm thảm, làm rèm hay các bức tranh vải treo tường… Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm truyền lại kiến thức cho những thợ học việc ở xưởng hơn. Có thể nói rằng đó là ý nghĩa cuộc sống của chúng tôi ở đây, ý nghĩa của công việc và đến một cách rất tự nhiên. Có thể sau này, các con của Barbara cũng sẽ theo nghề này và chúng tôi trở thành một đại gia đình làm nghề thủ công (từ thế hệ này, qua thế hệ khác), và có khi là đại gia đình Nghệ nhân xuất sắc nhất nước Pháp cũng nên”
Create your
podcast in
minutes
It is Free