Ranh giới ngoài thềm lục địa: Vấn đề cần giải quyết giữa Việt Nam và Philippines
Trong bối cảnh Việt Nam và Philippines phải tăng cường hợp tác để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, giữa hai nước lại nảy sinh một vấn đề cần giải quyết, đó là vấn đề ranh giới ngoài thềm lục địa.
Ngày 15/06/2024, bộ Ngoại Giao Philippines thông báo phái đoàn nước này tại Liên Hiệp Quốc đã đệ trình Báo cáo Ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông ( mà họ gọi là Biển Tây Philippines ) lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) "để đăng ký quyền với vùng thềm lục địa mở rộng ở tây Palawan".
Philippines cho biết họ đã mất 15 năm để chuẩn bị cho việc này, theo đúng Điều 76 trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo Công ước này, một quốc gia ven biển như Philippines có thể “thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa, bao gồm vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, vượt 200 hải lý, nhưng không quá 350 hải lý từ đường cơ sở được dùng để tính chiều rộng lãnh hải”.
Vấn đề là vùng thềm lục địa mở rộng mà Philippines muốn được công nhận có thể chồng lấn với những nước ven Biển Đông khác, đặc biệt là Việt Nam.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/07, nhà nghiên cứu về Biển Đông Hoàng Việt nhắc lại:
"Theo điều 76 của UNCLOS 1982, mỗi quốc gia sẽ có vùng thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở hướng ra ngoài. Ngoài ra, các quốc gia có thể có vùng thềm lục địa mở rộng có thể tối đa là 350 hải lý. Từ năm 2009, Việt Nam đã đệ trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa một báo cáo riêng của Việt Nam và một báo cáo chung với Malaysia ngày 06/05 và 07/05. Một ngày sau đó, 08/05, Trung Quốc đã gởi hai công hàm phản đối hai đệ trình đó. Trong hai công hàm đó có kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò".
Sau đó, đến tháng 12/2019, phía Malaysia lại đệ trình một báo cáo mới về thềm lục địa mở rộng, trong bối cảnh sau phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Mới đây nhất phía Philippines cũng tiếp tục đệ trình, theo đúng quy định của điều 76 trong UNCLOS 1982. Nhưng yêu cầu có được chấp thuận hay không thì đó lại là câu chuyện dài hơn rất nhiều.
Ngay trong đệ trình của Philippines lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, họ cũng đã nói rõ là vùng thềm lục địa mở rộng này của họ có khả năng sẽ chồng lấn với vùng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và của Malaysia. Mới đây nhất, Malaysia đã gởi công hàm phản đối, bởi vì giữa Malaysia và Philippines vẫn có tranh chấp về vùng Sabah, mà Manila cho là của Philippines, nhưng nay đang thuộc về Malaysia. Vùng thềm lục địa mở rộng mà Philippines yêu sách cũng nằm trong vùng thềm lục địa của Sabah.
Đối với Việt Nam, một số nhà nghiên cứu khi đo bản đồ cũng đã thấy là một sự chồng lấn. Khả năng chồng lấn với Việt Nam là chắc chắn."
Phản ứng về quyết định nói trên của Manila, Hà Nội, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 20/06, nhìn nhận quyền của Philippines:
"Các quốc gia ven biển thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với quy định liên quan của UNCLOS 1982.”
Nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao nhấn mạnh Việt Nam “bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.”
Đáp lại tuyên bố nói trên của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, ngày 01/07, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết Manila "hoan nghênh" việc Hà Nội công nhận báo cáo của Manila đệ trình lên Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm quyền của nước này đối với thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, đồng thời cho biết “sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để giải quyết mọi vấn đề”, cũng như sẵn sàng hợp tác với Việt Nam “theo những cách khả thi để giúp đạt được giải pháp cùng có lợi cho các vấn đề ở Biển Đông”.
Sau đó, ngày 17/07, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc.Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp đệ trình này "sẽ không ảnh hưởng tới công tác phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS".
Nhưng liệu Việt Nam và Philippines có thể dễ dàng đạt được thỏa thuận để giải quyết sự chồng lấn về thềm lục địa mở rộng giữa hai nước hay không? Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định:
"Chắc chắn là được thôi, khi mà cả hai quốc gia đều có thiện chí thì cũng dễ giải quyết. Việc chồng lấn là bình thường. Trên khu vực Biển Đông có rất nhiều sự chồng lấn. Việt Nam và Indonesia đã mất cả 12 năm để phân định vùng đặc quyền kinh tế. Hai nước đã công bố thỏa thuận qua tuyên bố năm 2022, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy văn bản chính thức Việt Nam và Indonesia phân định như thế nào.
Giữa Việt Nam với Philippines thì cũng đơn giản, vì thứ nhất là khi hai bên đều đòi hỏi vùng thềm lục địa mở rộng, thì chắc chắn là sẽ có sự chồng lấn và hai bên phải đàm phán. Nếu hai bên đều có thiện chí thì không khó, khó nhất là một bên, hoặc cả hai bên không có thiện chí. Trong đàm phán, hai bên đều phải nhân nhượng với nhau, để cùng chấp nhận một giải pháp hai bên cùng có lợi.
Quan hệ giữa Việt Nam với Philippines về hợp tác trên biển cũng đã có từ lâu. Vài năm trước, hai nước đã ký một số thỏa thuận về thăm dò địa chấn, hợp tác nghiên cứu khoa học biển. Như vậy chủ trương hai bên đều có rồi, vấn đề còn lại là hai bên sẽ phải đàm phán trực tiếp, sẽ phân định như thế nào. Có lẽ đây sẽ là một quá trình khá dài, vì cả hai bên đều phải dựa trên những điều kiện địa lý tự nhiên của mình, đồng thời căn cứ trên luật pháp, cũng như những án lệ trước đây, để tìm ra một giải pháp công bằng nhất".
UNCLOS quy định thời hạn cuối cùng để đệ trình thông tin về ranh giới ngoài thềm lục địa lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) là ngày 13/5/2009. Như vậy tại sao Philippines trình báo cáo về thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông 15 năm sau thời hạn cuối cùng?
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, đệ trình của Philippines vào thời điểm này có thể có một số tính toán:
"Cái đầu tiên là liên quan đến Trung Quốc. Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc và Philippines luôn luôn đối đầu ở khu vực biển của mấy thực thể, thứ nhất là Bãi Cỏ Mây, thứ hai là bãi cạn Scarborough và thứ ba là bãi cạn Sa Bin. Đặc biệt ở Bãi Cỏ Mây chúng ta đã thấy tình hình căng thẳng như thế nào. Gần đây nhất là sự kiện 17/06, nhiều tàu của Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu của Philippines, các thủy thủ Trung Quốc đã cầm rìu, dao găm và gậy tấn công các thủy thủ Philippines trên tàu của họ, cướp một số vũ khí, cũng như đồ đạc. Xung đột đã khiến một binh sĩ của Philippines bị mất một ngón tay cái.
Đây không phải là sự kiện đầu tiên cũng như cuối cùng. Từ 2013 tới nay, những vụ va đâm tàu, phun vòi rồng và chiếu tia laser vào các thủy thủ Philippines đã xảy ra rất nhiều. Vào tháng 05/2009, việc Việt Nam và Malaysia đệ trình báo cáo về thềm lục địa mở rộng đã gây một làn sóng phản đối từ Trung Quốc. Lần thứ hai đó là vào tháng 12/2019, Philippines làm mới lại đệ trình của mình thì cũng đã gây ra cuộc chiến công hàm kéo dài đến 2021 mới chấm dứt. Các quốc gia đã liên tục gởi các công hàm lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc để thể hiện quan điểm của mình.
Có lẽ đó là cái quan trọng mà Philippines tính tới: trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và chính sách của Philippines đang sử dụng là "name and shame", vạch trần những hành động côn đồ và phi pháp của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông tranh chấp, thì Philippines hy vọng là sẽ có một làn sóng của công luận trên thế giới lên án Trung Quốc và điều này sẽ tác động phần nào đến cuộc đối đầu giữa hai nước.
Ngoài ra, Philippines đương nhiên có những tính toán khác, trong đó có việc nhắc lại tác dụng của phán quyết 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Philippines cũng muốn tranh thủ lúc này Philippines đang có một đại diện trong Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc."
Trong một bài viết đăng trên trang Vietnamnet ngày 29/06, đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao, một chuyên gia pháp lý, cũng nhận định:
"Trước hết, chính quyền tổng thống Marcos Jr. muốn khẳng định giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/6/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này tạo khả năng cho phép mở rộng thềm lục địa từ các đảo chính của Philippines trong khi làm rõ mỗi thực thể biển ở quần đảo Trường Sa chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý.
Thứ hai, đệ trình có thể nhằm bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.
Thứ ba, Manila có thể muốn khẳng định tính pháp lý của đường cơ sở quần đảo Philippines năm 2012, đường này đã được sửa đổi cho phù hợp hơn với UNCLOS.
Thứ tư, việc đệ trình tạo điều kiện kích hoạt điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Hoa Kỳ 1951, theo đó Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các lực lượng vũ trang Philippines, các tàu và máy bay công vụ (bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển) khỏi các cuộc tấn công vũ trang trong Biển Đông.
Thứ năm, đệ trình có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) đang gặp bế tắc."
Nhưng theo ông Nguyễn Hồng Thao, tranh chấp chủ quyền các thực thể trong quần đảo Trường Sa vẫn tồn tại sẽ làm nảy sinh tiếp vấn đề phân định biển của các vùng đáy biển thuộc lãnh hải của các thực thể này với yêu sách thềm lục địa mở rộng của Philippines.
Ấy là chưa kể đến phản ứng của Trung Quốc. Ngày 18/07/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng đệ trình của Việt Nam về thềm lục địa mở rộng "bao gồm một phần quần đảo Nam Sa ( Trường Sa ) của Trung Quốc và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Trước đó, ngày 17/6/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã khẳng định “đệ trình đơn phương của Philippines về mở rộng thềm lục địa của họ tại Biển Đông xâm phạm tới các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển và đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Create your
podcast in
minutes
It is Free