Những tình nguyện viên thầm lặng góp sức vào thành công của Thế Vận Hội Paris 2024
Người soát vé, người chuẩn bị dụng cụ thi đấu, người tiếp đón các phái đoàn,..., khoảng 45 000 tình nguyện viên đến từ 155 quốc gia đã góp thời gian, góp sức, hỗ trợ ban tổ chức thành công Thế Vận Hội Paris 2024.
Tại buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội hôm 26/07, chủ tịch Ủy ban Olympic của Pháp, Tony Estanguet đã cảm ơn các tình nguyện viên đến từ 155 quốc gia : “Trong cuộc sống, các bạn làm những nghề khác nhau, là giáo viên, y tá, sinh viên hay đã nghỉ hưu… sự nhiệt tình của mọi người sẽ thắp sáng kỳ Thế Vận Hội này”. Hình ảnh một nữ tình nguyện viên đứng dưới mưa, cầm ô che cho ông Estanguet khi phát biểu cũng được loan tải khắp các mạng xã hội.
Tại buổi lễ bế mạc, các tình nguyện viên cũng được ban tổ chức tiếp đón như một phái đoàn “áo xanh tình nguyện”, bước vào sân vận động Stade de France, theo sau các tình nguyện viên và phái đoàn từ hơn 200 quốc gia.
Trong hơn hai tuần diễn ra Thế Vận Hội, các tình nguyện viên trong trang phục màu xanh lá – xanh dương và chiếc mũ nhiều màu sắc, xuất hiện trên khắp đường phố ở Paris, trên các phương tiện giao thông công cộng và cả tại những địa thi đấu của sự kiện.
Cô Lucie, đến từ miền nam nước Pháp, dành kỳ nghỉ hè năm nay để làm tình nguyện tại Thế Vận Hội. Cô rất bất ngờ khi mình được chọn làm tình nguyện viên sau quá trình dài làm hồ sơ, trả lời gần 200 câu hỏi, viết lý lịch quá trình đào tạo, việc làm (CV) và thư nguyện vọng. Phụ trách tiếp đón các vận động viên tại sân bay Orly từ ngày 16/07 đến 12/08, cô chia sẻ : “Có nhiều người đến từ các nước khác nhau, không nói tiếng Pháp. Tôi không giỏi ngoại ngữ cho lắm và điều này giúp tôi có thể thực hành tiếng Anh. Tôi thậm chí còn cài một ứng dụng trên điện thoại để có thể giao tiếp với mọi người. Tại sân bay, tôi cũng gặp nhiều người nổi tiếng, tôi không biết hết những người đó, nhưng tôi đã có thể chụp ảnh cùng họ. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ đến một nước khác để làm tình nguyện vì tôi không biết nhiều thứ tiếng khác. Thế Vận Hội diễn ra tại Pháp và chỉ cách chỗ tôi vài giờ nên không hề ngần ngại trở thành tình nguyện viên. Tôi nghĩ rằng đây là một trải nghiệm độc đáo và có thể cho vào CV của tôi sau này”.
Gặp gỡ mọi người, cải thiện ngoại ngữ cũng là một trong những mục đích của du học sinh người Việt, Bùi Tiến Quốc, khi tham gia làm tình nguyện viên trong sự kiện thể thao này. Anh chia sẻ: “Tôi qua Pháp hai năm rồi nhưng tiếng Pháp vẫn còn hơi yếu một chút vì chủ yếu sử dụng tiếng Anh. Lý do thứ hai là tôi muốn kết thêm những người bạn mới. Nhờ công việc tình nguyện viên này mà tôi kết giao cả với những bạn trẻ tuổi và những người lớn tuổi, làm việc trong một nhóm rất chuyên nghiệp và mọi người đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Cái thứ ba là tôi cũng muốn có một kỷ niệm để đời, vì đây là Thế Vận Hội và mình cũng không có nhiều dịp để tham gia một sự kiện tầm cỡ quốc tế như thế này. Đây là một dịp rất là hay và may mắn, kịp thời, kịp lúc thì mình tham gia thôi”.
Được tuyển chọn qua một quá trình phức tạp từ 300 000 ngàn hồ sơ, hơn 45 000 tình nguyện viên Olympic, từ 16 đến 94 tuổi, dành thời gian và nhiệt huyết để hỗ trợ ban tổ chức. 45 % số tình nguyện viên đến từ các doanh nghiệp tài trợ cho Thế Vận Hội ( Sanofi, LVMH), hoặc các liên đoàn thể thao.
Các tình nguyện viên có nhiệm vụ như chỉ dẫn, điều hướng, hỗ trợ thông tin, vận động viên, các phái đoàn thể thao và cả khán giả. Có những người làm việc thầm lặng, kiểm soát vé vào, chỉ dẫn chỗ ngồi. Có những người thì làm việc dưới ánh đèn, trải thảm trước các trận đấu nhu đạo, đưa kiếm cho các kiếm thủ, chuẩn bị, thu dọn dụng cụ thể thao,… Một số có thể xem được các trận thi đấu cùng khán giả, một số thì không, nhưng tất cả đều cùng hoà chung, tạo một không khí lễ hội cho Thế Vận Hội.
9000 tình nguyện viên nước ngoàiTrong số 45 000 tình nguyện viên, khoảng 9000 người đến từ nước ngoài, đến Paris để làm tình nguyện, đúng như tinh thần của Thế Vận Hội, quy tụ tất cả mọi người xung quanh thể thao. Cô Maria, đến từ Tây Ban Nha, phụ trách điều phối dòng người tại sân vận động Chapelle Arena, khẳng định rằng làm tình nguyện tại Thế Vận Hội “là một trải nghiệm cần có trong đời”.
Còn cô Johanne và chồng lái xe từ Đan Mạch đến Paris, phụ trách bố trí chỗ ngồi cho các khán giả tại sân vận động Rolland Garros, nơi diễn ra các trận đấu quần vợt và quyền anh. Vốn quan tâm đến thể thao, cô Johanne không muốn chỉ là những khán giả đến xem các giải đấu mà “muốn trở thành một phần ở trong đó”. Cô chia sẻ : “Hai tuần đã trôi qua là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã gặp rất nhiều người từ các nước khác nhau. Trước khi đến Paris, tôi không nghĩ là mình có thể xem bất cứ trận đấu nào. Nhưng ngay ngày đầu tiên, tôi không ngờ là mình đã được xem trận của Djokovic. Tôi nhớ có lần tôi chỉ đứng cách 5 mét siêu sao quần vợt người Serbia. Hơn nữa nhóm tình nguyện của chúng tôi, có tên là Tip Top, tất cả mọi người đều rất nhiệt huyết và thân thiện. Có thể tôi sẽ gặp lại họ vào Thế Vận Hội mùa đông ở Milan hoặc trong 4 năm nữa, tại Thế Vận Hội ở Los Angeles. Nếu có thời gian, tôi rất muốn được tiếp tục làm tình nguyện tại sự kiện tương tự.
Đãi ngộ của tình nguyện viện là "trải nghiệm tuyệt vời"Các tình nguyện viên thường có ca làm khoảng 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày trên một tuần và có thể được huy động đến nhiều địa điểm khác nhau. Trước khi nhận nhiệm vụ, hầu hết đều nhận được một khoá đào tạo ngắn. Họ cũng nhận được các đãi ngộ đặc biệt từ ban tổ chức.
Tình nguyện viên người Việt Nam, Bùi Tiến Quốc cho biết thêm thông tin : “Tôi có một thẻ cho phép truy cập vào tất cả các khu vực của Thế Vận Hội. Ban tổ chức cũng tạo ra cái lễ hội, sân chơi ca nhạc, những buổi mà mọi người sinh hoạt cùng với nhau. Những buổi này giúp các tình nguyện viên có thêm động lực và tinh thần. Ngoài ra, họ cũng hỗ trợ ăn uống, giúp đỡ về thẻ đi lại trên phương tiện giao thông công cộng, cũng như bảo đảm đầy đủ hết nhu cầu sinh hoạt mà một tình nguyện viên cần có, nghe hơi giống vận động viên, nhưng họ khá coi trọng cái công sức mà mình bỏ ra, và những gì mình nhận được là xứng đáng. Ngoài ra họ cũng hỗ trợ chúng mình vé để xem các trận Olympic. Tôi có được 1 vé xem olympic và 1 vé xem paralympic.”
Trang phục cho các tình nguyện viên, từ quần áo, giày giép, mũ, đồng hồ,.. do hãng Decathlon và các hãng thể thao khác sản xuất, được ban tổ chức cấp cho các tình nguyện viên. Riêng 500 tình nguyện viên, phụ trách bê các khay huân chương hoặc cầm cờ trong lễ trao giải, có trang phục do nhà tài trợ cấp cao (platine) của sự kiện, LVMH, đặc biệt thiết kế. Những trang phục độc lạ này, chỉ được sản xuất riêng cho Thế Vận Hội, được xem là những món đồ lưu niệm cho các tình nguyện viên nhưng cũng được nhiều người quan tâm. Nhiều thông báo bán lại đồ được đăng trên các trang bán đồ cũ, đôi khi lên đến hàng ngàn euro.
Nguồn nhân lực nhiệt huyếtTruyền thống làm tình nguyện viên Olympic xuất hiện từ Thế Vận Hội Luân Đôn năm 1948 và vẫn tiếp diễn cho đến nay. Ban tổ chức có thể tận dụng nguồn nhân lực nhiệt huyết, thân thiện và nhất là không phải trả lương cho họ. Uỷ ban Olympic quốc tế cũng ghi rõ “tình nguyện viên là người cam kết với hết khả năng của mình, thực hiện các nhiệm vụ được giao phó mà không tính toán đến khía cạnh tài chính hoặc thù lao hoặc dưới bất cứ hình thức nào.”
Đối với các tình nguyện người Pháp, sống tại Paris có người quen ở thủ đô, đến làm tình nguyện trong kỳ Thế Vận Hội này có lẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, đối với 9000 tình nguyện viên nước ngoài, chi phí phải trả để làm tình nguyện không hề nhỏ, nhất là khi giá thuê nhà tại Paris tăng cao trong Thế Vận Hội. Mặc dù có nhiều đãi ngộ, nhưng các tình nguyện viên Olympic không được trả thù lao, chi phí đắt đỏ ở thủ đô Pháp có thể làm nản lòng một số người. Do đó, ban tổ chức cũng đã có dự trù, để hàng ngàn người đăng ký tình nguyện vào danh sách chờ, trong trường hợp thiếu nhân lực.
Create your
podcast in
minutes
It is Free